Theo xu hướng và yêu cầu của thế giới, công nghiệp tuần hoàn, công nghiệp xanh là đích đến trong tương lai để góp phần phát triển nền kinh tế bền vững, giảm tác động xấu đến khí hậu trên toàn cầu. Thuật ngữ khu công nghiệp sinh thái cũng dần được trở nên quan tâm những năm gần đây. Vậy khu công nghiệp sinh thái là gì? Doanh nghiệp được và mất gì khi hoạt động trong khu công nghiệp sinh thái? Thực trạng về các khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam.

1. Khu công nghiệp sinh thái là gì?

Theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính Phủ, “Khu công nghiệp sinh thái” được định nghĩa là khu công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các doanh nghiệp. Nói một cách dễ hiểu, khu công nghiệp sinh thái hoạt động theo nguyên tắc phát triển kinh tế công nghiệp hoá đồng thời phải chú trọng đến việc đảm bảo cho chất lượng của môi trường.

Việc xây dựng các khu công nghiệp sinh thái được coi là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững và góp phần hướng đến mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0.

2. Lợi thế của doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghiệp sinh thái:

Việc gắn sản xuất với hoạt động bảo vệ môi trường có thể gây tốn kém nhiều công sức và chi phí hơn cho doanh nghiệp, tuy nhiên những năm trở lại đây, sự biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và các doanh nghiệp cần phải cho thấy trách nhiệm của mình trong việc nỗ lực giảm các tác động đến môi trường do hoạt động sản xuất của mình gây ra.

Thực tế cho thấy việc doanh nghiệp tham gia mô hình khu công nghiệp sinh thái sẽ khó khăn trong bước đầu xây dựng hoặc chuyển đổi nhưng với xu thế “xanh hoá” và phát triển bền vững của thế giới hiện nay, lợi ích về lâu về dài của doanh nghiệp sẽ được đảm bảo nếu có sự đón đầu, chuẩn bị từ sớm. Một số lợi ích có thể kể đến như:

  • Giảm chi phí đầu vào: 

Quan hệ cộng sinh, mô hình công nghiệp tuần hoàn và các công nghệ, quy trình của khu công nghiệp sinh thái có thể giúp doanh nghiệp tận dụng được những nguồn nguyên liệu giá rẻ, cắt giảm hao phí vận hành và giảm phát thải CO2 trong quá trình hoạt động từ đó cắt giảm được một phần chi phí đầu vào hoạt động sản xuất.

Một doanh nghiệp FDI từ Hồng Kông với ngành sản xuất nến thơm tham gia mô hình khu công nghiệp sinh thái ở Đồng Nai cho biết: Sau 1 năm thực hiện, doanh nghiệp đã tiết kiệm hơn 294 ngàn kWh điện, 36 ngàn lít dầu, gần 2.7 ngàn m3 nước và giảm phát thải 343 tấn CO2, tương đương với 1.5 tỷ đồng.

  • Tăng khả năng cạnh tranh:

Sản phẩm làm ra của các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình khu công nghiệp sinh thái được khách hàng đánh giá cao hơn vì thân thiện với môi trường. Đặc biệt với những thị trường quốc tế khó tính như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản,… việc xuất khẩu hàng hoá, hàng hoá sản xuất ra không chỉ phải đảm bảo chất lượng mà đơn vị sản xuất còn phải có trách nhiệm với sự đảm bảo bền vững môi trường như các yêu cầu về tính chỉ xanh, cam kết giảm phát thải CO2,…

  • Nhận được nhiều ưu đãi, hỗ trợ từ các tổ chức và Chính Phủ:

Doanh nghiệp hoạt động sản xuất xanh có cơ hội nhận được những giúp đỡ về ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, tạo điều kiện xuất khẩu hàng hoá cũng như quảng bá thương hiệu từ các tổ chức phi lợi nhuận xã hội. Ngoài ra các doanh nghiệp này còn được Chính Phủ và ngân hàng ưu tiên các khoản vốn vay ưu đãi cũng như chính sách đặc biệt trong đầu tư và hoạt động.

Để có được những lợi thế trên doanh nghiệp cần có những điều kiện cũng như tiêu chí cơ bản trong hoạt động sản xuất có thể kể đến như:

  • Đầu tư vào máy móc thiết bị để hoạt động hiệu quả tránh hao phí
  • Sử dụng năng lượng hiệu quả, đặc biệt là kết hợp năng lượng tái tạo
  • Kiểm soát chất thải cũng như có hệ thống tái chế, xử lý nước thải – khí thải
  • Dành tối thiểu 25% quỹ đất cho các công trình công cộng như cây xanh, giao thông, hạ tầng dịch vụ chung, ngoài ra còn có công trình xã hội, văn hoá, thể thao trong doanh nghiệp
  • Có liên kết cộng sinh với doanh nghiệp trong cùng mô hình
  • Thực hiện công bố báo cáo bảo vệ môi trường, có định hướng và lộ trình cụ thể

Đối với những doanh nghiệp có kế hoạch tham gia và hoạt động trong mô hình này, việc xây dựng nhà máy theo tiêu chuẩn công trình xanh (LEED, EDGE hay LOTUS,..) là một giải pháp đáng cân nhắc. Những tiêu chuẩn này đã có một bộ khung pháp lý và yêu cầu  xây dựng sẵn, giúp chủ đầu tư doanh nghiệp dễ dàng quản lý cũng như đáp ứng được những điều kiện hoạt động trong khu công nghiệp sinh thái.

Xem thêm: Tiêu chuẩn LEED là gì? Ưu nhược điểm của hệ thống đánh giá công trình xanh LEED.

3. Hiện trạng khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang tập trung cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt chú trọng cho kinh tế công nghiệp với các bước tiến trong phát triển dịch vụ. 

Hiện nay Việt Nam có gần 400 khu công nghiệp và khu kinh tế, thu hút tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 12 tỷ USD, chiếm khoảng 80-90% các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, một số khu công nghiệp chưa hoàn thành xây dựng nhà máy xử lý nước thải, đe dọa sức khỏe và đời sống người dân do ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, chất thải nguy hại. Số lượng khu công nghiệp sinh thái so với tổng số khu công nghiệp cả nước là rất nhỏ và chưa đáng kể, một số khu công nghiệp sinh thái mới ra đời hoặc đang hoạt động thí điểm có thể kể đến như:

  • Khu công nghiệp Đình Vũ (DeepC – Hải Phòng)
  • Khu công nghiệp Hoà Khánh (Đà Nẵng)
  • Khu công nghiệp Amata (Đồng Nai)
  • Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai) (Xem thêm: Dự án điện NLMT tại KCN Nhơn Trạch)
  • Khu công nghiệp Hiệp Phước (Tp.HCM)
  • Khu chế xuất Linh Trung 1 (Tp.HCM)
  • Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ)

Một phần của sự hạn chế về số lượng khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam là do khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, một số vướng mắc về cơ chế chưa được quy định rõ, các ưu đãi cũng chưa đủ hấp dẫn để khiến doanh nghiệp cũng như chủ đầu tư hào hứng tham gia vào phát triển.

Hiện Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn, dự kiến trình Chính phủ vào cuối năm 2023. Trong kế hoạch sẽ chỉ ra từng danh mục nào sẽ được áp dụng thí điểm trong đó có các thứ tự ưu tiên để kỳ vọng sớm gặt hái được thành công về mô hình kinh tế tuần hoàn.

Source: Báo Chính Phủ, Trang tin điện tử Đảng bộ Tp. Hồ Chí Minh, Báo Đồng Nai.